Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre phối hợp cùng Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) tổ chức: Toạ đàm "Giải pháp bảo vệ thương hiệu và công tác chống hàng giả với ngành nhựa".

Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm Sở hữu trí tuệ đối với ngành nhựa hiện nay, ngày 26/3/2024 tại Khách sạn Hàm Luông, thành phố Bến Tre Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bến Tre phối hợp cùng với Hiệp hội VATAP; Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia; Cục Sở hữu trí tuệ và đơn vị Hội viên của Hiệp hội là Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen tổ chức Toạ đàm "Giải pháp bảo vệ thương hiệu và công tác chống hàng giả với ngành nhựa".
Tọa đàm được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, các vấn đề về gian lận thương mại, tham dự tọa đàm với hơn 100 người tham dự gồm Cục QLTT các tỉnh phía Nam, Công an tỉnh Bến Tre; Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre và một số Doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có sự tham gia của cơ quan thông tấn báo chí; Đài phát thanh-truyền hình Bến Tre đến ghi hình đưa tin; diễn đàn đã chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm giữa Hiệp hội, cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Toàn cảnh buổi tọa đàm giải pháp bảo vệ thương hiệu và công tác chống hàng giả với ngành nhựa".
Phát biểu khai mạc: Ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) chia sẻ: Công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả và các vấn đề gian lận thương mại, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Các hình thức tuyên truyền cần đa dạng, phong phú hơn và phù hợp với thực tế.
Hình ảnh ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) phát biểu
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Hồ Thanh Long, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bến Tre chia sẻ: Trong năm 2023, lực lượng QLTT tỉnh Bến Tre đã kiểm tra phát hiện 20 vụ vi phạm về hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đã xử lý phạt tiền là: 389.940.000 đồng, trị giá hàng hóa vi phạm là 69.643.000 đồng; Quý I/2024 thì số vụ vi phạm về hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là 10 vụ đã xử lý phạt tiền là: 416.179.650 đồng, trị giá hàng hóa vi phạm là 338.186.000 đồng. Về tuyên truyền pháp luật: Cục QLTT tỉnh Bến Tre là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền pháp luật nhằm Giúp cho các tổ chức, cá nhân hiểu rõ và chấp hành đúng các quy định pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện việc sản xuất và đưa sản phẩm hàng hóa vào lưu thông trên thị trường đảm bảo chất lượng đúng theo quy định; nhận biết các dấu hiệu để phân biệt hàng giả và không tiếp tay kinh doanh hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng..., tạo sự chuyển biến tích cực và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng. Nội dung tuyên truyền phải bám sát vào sự chỉ đạo của các cấp, tập trung vào triển khai thực hiện các Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; Tổng cục Quản lý thị trường. Sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.
Năm 2024, đơn vị Cục QLTT tỉnh Bến Tre đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật trực tiếp ở 03 huyện là Ba Tri, Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc; phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền rộng khắp qua đài phát thanh các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường và công tác quản lý địa bàn lồng ghép tuyên truyền vận động cho ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng....Đây cũng là nội dung trọng tâm mà Cục QLTT tỉnh Bến Tre đã đăng ký với Tỉnh ủy Bến Tre về phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2024.
Ông Hồ Thanh Long - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bến Tre phát biểu tại Tọa đàm
Tọa đàm “Giải pháp bảo vệ thương hiệu và công tác chống hàng giả với ngành nhựa” đã có nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi và chia sẻ những thông tin, tuyên truyền công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm nhãn hiệu đến với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là với ngành nhựa. Thông qua Tọa đàm, đã đúc kết được những kinh nghiệm, giải pháp giúp các doanh nghiệp phòng chống hàng giả, xây dựng được uy tín thương hiệu, giúp người dân nhận biết rõ hơn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay, cũng như những nỗ lực, khó khăn trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục bám sát, quản lý chặt chẽ địa bàn, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại; phối hợp với lực lượng chức năng triệt phá các tụ điểm tập kết, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là giám sát chặt chẽ các hình thức kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử… để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về hàng giả và gian lận thương mại, góp phần bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp, cũng như chung tay đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên thị trường.
Một số hình ảnh khác có liên quan
Ông Đỗ Hồng Trung - Phó chánh Văn phòng đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu.
Ông Hồ Thanh Long - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bến Tre (bìa phải) tham gia chủ trì buổi Tọa đàm.
Hình ảnh buổi Tọa đàm.
Bình luận