Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Bến Tre Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2023 và triển khai công tác năm 2024.
Để triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các Bộ, ngành; BCĐ 389 quốc gia và UBND tỉnh ngày 24/01/2024 BCĐ389 Bến Tre tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023 và triển khai công tác năm 2024. Nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2023, đồng thời, thảo luận làm rõ những nguyên nhân, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Ban chỉ đạo, từ đó đề ra giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác năm 2024.
Toàn cảnh Hội Nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị ông Hồ Thanh Long - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường – Phó trưởng ban Thường trực BCĐ 389 Bến Tre nhấn mạnh: Mặc dù, năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức, giá cả một số mặt hàng vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng tăng cao; tình hình dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò…diễn biến phức tạp; Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Bộ ngành Trung ương, Tổng cục Quản lý thị trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, BCĐ 389 tỉnh đã chỉ đạo các thành viên thực hiện nghiêm túc công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả rất tích cực. Nổi bật là:
Ông Hồ Thanh Long- Phó trưởng ban Thường trực BCĐ 389 tỉnh Bến Tre phát biểu khai mạc Hội Nghị tổng kết công tác năm 2023
Hoàn thành vượt các chỉ tiêu về số vụ kiểm tra vi phạm, số tiền nộp ngân sách nhà nước đã đăng ký từ đầu năm với BCĐ 389 quốc gia, trong năm đã thực hiện thanh tra, kiểm tra là 1.819 vụ, so với Kế hoạch năm 2023 là 1.435 vụ, đạt 126.75 % và tiến hành xử lý vi phạm hành chính 1.726 vụ với số tiền phạt 34.153.736.707 đồng. Tổng số tiền thu phạt nộp ngân sách Nhà nước 34.193.325.389 đồng đạt 148.86 % so với Kế hoạch năm 2023 là 22.970.000.000 đồng. Qua đó đã tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đặc biệt nổi bật nhất trong năm 2023 của BCĐ 389 tỉnh là công tác tuyên truyền: Các Sở, ngành cũng luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật, xem đây là nhiệm vụ công tác trọng tâm để thực hiện, qua đó nhằm nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để nhân dân nhận biết tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác này. Các Sở, ngành thành viên đã tổ chức 54 Hội nghị tuyên truyền pháp luật với 5.604 người tham dự; tổ chức 62 lớp tập huấn kiến thức pháp luật với 6.140 người tham dự; đã in và phát 1.420 tờ bướm tuyên truyền; Cơ quan Thường trực cử 16 cán bộ, công chức (Thành viên BCĐ389) tham dự lớp tập huấn TMĐT ở thành phố Cần Thơ do BCĐ 389 quốc gia tổ chức; Cử Đoàn công tác (có 18 người là các thành viên của BCĐ 389 tỉnh) đi trao đổi kinh nghiệm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường TMĐT, vi phạm trong kinh doanh xăng dầu tại 02 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.
Nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2023, đang được đề nghị BCĐ 389 quốc gia và Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre tặng bằng khen. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cho BCĐ cần được xem xét, giải quyết với tinh thần thẳng thắn và đổi mới, sáng tạo để có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Cụ thể: Giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp (phân bón, thức ăn chăn nuôi…), vật liệu xây dựng tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng tiêu thụ gây thiệt hại cho sản xuất, tiêu dùng của người dân, nhưng công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng này chưa được quan tâm đúng mức; Công tác thanh kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, đặc biệt là hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động kinh doanh thông qua các sàn thương mại điện tử….trong thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao; Tình trạng gian lận về chất lượng và đo lường trong kinh doanh xăng dầu buôn lậu xăng dầu trên địa bàn các huyện ven biển có lúc vẫn còn tiềm ẩn phức tạp.
Để đánh giá khách quan những kết quả đạt được trong năm 2023, thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2024, Thường trực BCĐ 389 thông qua Dự thảo Kế hoạch công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024. Ông Hồ Thanh Long đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị: Nhìn lại kết quả công tác một năm ở mỗi ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận phân tích những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân (nhất là các nguyên nhân chủ quan); chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình thế giới, trong nước và ở địa phương, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, giúp BCĐ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024.
Tại Hội nghị, Cơ quan thường trực BCĐ đã thông qua kế hoạch số 7733/KH-BCĐ389 ngày 14/12/2023 của BCĐ 389 tỉnh Bến Tre về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo đó, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của các thành viên BCĐ 389 tỉnh trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân, không để xảy ra tình trạng kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm..., đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo dự báo năm 2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng vi phạm ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, lợi dụng kẻ hở của pháp luật để đối phó với các cơ quan chức năng, tìm ẩn nhiều nguy cơ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu, vật tư nông nghiệp…ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống của người dân.
Ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh – Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Qua nghe báo báo tóm tắt kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian gian lận thương mại và hàng giả năm 2023 của BCĐ, ý kiến trao đổi thảo luận của các đồng chí là lãnh đạo các Sở, ngành. Để thực hiện tốt kế hoạch công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024, ông Nguyễn Minh Cảnh chỉ đạo:
Ngoài các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong báo cáo của Thường trực BCĐ, các thành viên cần xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024 để triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ có hiệu quả hơn nữa, cụ thể:
1. Công tác triển khai quán triệt văn bản chỉ đạo của cấp trên phải kịp thời, hiệu quả. Công tác thanh kiểm tra phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm, trước mắt tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch số 7733/KH-BCĐ ngày 14/12/2023 của BCĐ389 tỉnh Bến Tre về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
2. Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Cục thuế, Ngân hàng nhà nước làm tốt hơn nữa công tác phối hợp, chia sẽ, cung cấp thông tin trong kiểm tra, ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng lậu, hàng giả …ngành Thuế phải tăng cường công tác quản lý thu ngân sách qua hoạt động thương mại điện tử (chống thất thu thuế trong lĩnh vực này).
3. Thường trực BCĐ sớm tham mưu kiện toàn BCĐ 389 tỉnh. Cục Quản lý thị trường chủ động phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh, Sở Khoa học Công nghệ, tăng cường theo dõi, nắm thông tin để kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng gian lận về chất lượng và đo lường trong kinh doanh xăng dầu, tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành.
4. Giao Thường trực BCĐ tiếp tục theo dõi, rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lận, gian lận thương mại và hàng giả của các Sở, ngành chức năng và các địa phương để kiến nghị BCĐ 389 quốc gia và các Bộ ngành, Trung ương tham mưu cho Chính phủ sớm điều chỉnh, khắc phục chồng chéo, bất cập gây khó khăn cho các lực lượng.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với Cục Quản lý thị trường, các địa phương xây dựng các kế hoạch chuyên đề, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý giá cả, chất lượng các mặt hàng như Phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật…, kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân;
6. Sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở ngành tăng cường công tác thanh kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc tân dược, bán thuốc theo toa...
7. Đề nghị các Sở, ngành tỉnh và các địa phương cần xác định rõ nhiệm vụ đấu tranh trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành mình, địa phương mình để quan tâm đúng mức và quyết liệt chỉ đạo các mặt công tác để góp phần ổn định địa bàn, phục vụ cho phát triển kinh tế tỉnh nhà.
8. Bộ Đội Biên Phòng, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp, chia sẽ thông tin nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu trên địa bàn các huyện ven biển và vùng biển;
9. Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường phối hợp quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu của các thương nhân trên địa bàn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân; phối hợp với Công an tỉnh, Sở Khoa học Công nghệ chia sẽ, cung cấp thông tin, kiểm tra, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng gian lận về chất lượng và đo lường trong kinh doanh xăng dầu; Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh việc lợi dụng các hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, khuyến mại, tư vấn, tri ân khách hàng...để bán hàng hóa trái pháp luật.
10. Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong thực thi công vụ đảm bảo tính nghiêm minh, khách quan; Đồng thời ban hành quy định xử lý nghiêm các trường hợp tiếp tay, làm “lơ” để bỏ qua các hành vi vi phạm pháp luật; trách nhiệm của Thủ trương cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra vi phạm nghiêm trọng thuộc lĩnh vực ngành mình quản lý và cán bộ thuộc quyền quản lý…
* Một số hình ảnh có liên quan:
Ông Nguyễn Văn Bé Sáu – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre phát biểu tham luận tại Hội nghị
Ông Nguyễn Văn Chinh –Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bến Tre tham luận tại Hội nghị
Ông Lê Thành Huấn - Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Bến Tre tham luận tại Hội Nghị
Bình luận